Nhắc đến Hải Phòng, trong nhiều trang viết lịch sử hào hùng của dân tộc thường hay kể đến các chiến công vang dội: Cát Bi rực lửa, đường 10, Thủy Nguyên quật khởi, Tiên Lãng chống càn, Đường 5 anh dũng... trong đó phải kể đến chiến thắng Cát Bi, chiến thắng có tầm quan trọng đặc biệt của Hải Phòng đóng góp quan trọng, làm suy yếu lực lượng quân đội viễn chinh của Pháp trước chiến dịch Điện Biên Phủ "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu".
Đã gần 70 năm trôi qua nhưng trận đánh Cát Bi vẫn còn rực lửa cháy mãi trong tâm trí những người dân Hải Phòng. Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp 1954, sân bay Cát Bi là sân bay lớn nhất của Pháp tại Đông Dương trực tiếp phục vụ tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Trận đánh sân bay Cát Bi diễn ra vào ngày 7/3/1954 là trận đánh sân bay thắng lợi nhất trong suốt 9 năm kháng chiến chống Pháp tại mảnh đất Đông Dương. Khi đó lực lượng vũ trang của ta chỉ với 32 cán bộ, chiến sĩ do Tỉnh đội trưởng Đặng Kinh trực tiếp chỉ đạo đã làm quân đội Pháp tổn thất vô cùng lớn 59 máy bay các loại bị phá hủy, dù địch bố phòng hết sức cẩn mật với 3.000 binh lính và sỹ quan.
Xung quanh sân bay Cát Bi năm ta tấn công có 78 đồn bốt, tháp canh chia làm 3 tuyến vành ngoài, vành đai và trung tâm, 13 vị trí đề phòng tập kích phòng không, có 6 hàng rào dây thép gai, bãi mìn, hàng ngàn đèn điện, mấy chục ngọn đèn pha chiếu quét làm cho sân bay đêm cũng như ngày, một con chuột nhắt chạy qua cũng bị phát hiện.
Cứ 15 phút lại có 1 trung đội Âu - Phi được trang bị cơ giới và chó nghiệp vụ tuần tra quanh sân bay. Tất cả đặt dưới sự chỉ huy của một thiếu tướng Pháp và cố vấn Mỹ. Để đảm bảo tuyệt đối an toàn cho sân bay, bọn địch đã dựng một “vành đai trắng” xung quanh. Hệ thống đồn bốt dọc trục đường 14 đi Đồ Sơn cũng là một lực lượng bảo vệ sân bay chiến lược này từ xa".
Ngoài ra, có hàng trăm phi công, nhân viên phục vụ bay và 50 cố vấn Mỹ. Chúng được trang bị 25 trọng liên, 15 khẩu cối 81mm. Sân bay này khi đó được coi thuộc dạng lớn nhất nước. Nó có sức chứa 500 máy bay, nhưng lúc đó, Pháp cũng chỉ có 277 chiếc đậu nơi đây, cách nhau 50m...
Trận tập kích đã khiến sân bay Cát Bi biến thành một biển lửa cháy liền suốt 17 giờ. 59 chiếc máy bay các loại bị quân ta tiêu diệt cùng nhiều phương tiện kỹ thuật khác. Trận đánh đã góp phần quan trọng vào chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ mở màn sau đó chỉ 7 ngày (13/3). Do bị tổn thất quá nặng nề, kẻ địch không còn đủ mạnh để bảo vệ cho cứ điểm Điện Biên Phủ. Để có chiến công vang dội và kỳ tích đến vậy, kế hoạch trên được giữ bí mật tuyệt đối khi ông Đặng Kinh cùng thuộc cấp bàn thảo và tổ chức tập luyện trong suốt 8 tháng ròng.
Quá trình luyện tập ấy rất vất vả: họ tập chạy bộ gần 30km/ngày với trang bị đầy đủ súng đạn, yêu cầu không phát ra tiếng động; tập đánh máy bay trong khi chưa mấy ai biết hình thù cụ thể, cấu tạo, tính năng từng bộ phận của nó như thế nào. Nhờ công tác chuẩn bị kỹ lưỡng và bí mật tuyệt đối, các chiến sĩ đều xác định được tư thế, động tác, khối lượng thuốc nổ đánh máy bay đỗ sẽ như thế nào…
Khi đánh giá về vai trò của trận tập kích sân bay Cát Bi đối với chiến thắng Điện Biên Phủ, Đại tướng, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp đã từng nhấn mạnh: "Liên khu ủy, Bộ Tư lệnh Liên khu 3 và Khu ủy, Bộ Tư lệnh Tả Ngạn đã động viên mọi lực lượng, tập trung sức người, sức của chi viện cho chiến trường chính Điện Biên Phủ. Những trận đánh ‘xuất quỷ, nhập thần’ xung kích sân bay Gia Lâm, đặc biệt là sân bay Cát Bi, đánh thẳng vào trung tâm quân sự của giặc, đã phá hủy một bộ phận quan trọng Không quân địch, tạo điều kiện thuận lợi cho các chiến trường toàn quốc và chiến trường chính Điện Biên Phủ”… Ngoài ra, chiến thắng Cát Bi còn rèn luyện được cho Bộ đội ta trưởng thành về mọi mặt từ công tác trinh sát, đặc công để có những vị tướng huyền thoại như: Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Trung tướng Đặng Kinh, nguyên Tỉnh đội trưởng Tỉnh đội Kiến An, nguyên Thành đội trưởng Hải Phòng, nguyên Phó tổng Tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam; Thiếu tướng Mai Năng, nguyên Tư lệnh Binh chủng Đặc công... là những người trưởng thành từ trận đánh tập kích sân bay Cát Bi đã trở thành những tên đường huyền thoại gắn bó với người dân Hải Phòng.
Có thể nói chiến thắng Cát Bi là một chiến thắng đặc biệt quan trọng của quân và dân Hải Phòng tạo bàn đạp quan trọng cho bộ đội ta giành được những thắng lợi to lớn trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Từ chiến dịch Cát Bi, quân đội Pháp đã bị thiệt hại vô cùng lớn về phương tiện, khí tài, máy bay quân sự không thể tiếp ứng được cho chiến trường Điện Biên Phủ dẫn đến tâm lý hoang mang, lo sợ trước những chiến thắng liên tiếp của quân và dân ta.
Nguồn tin: Tạp chí Cửa Biển