Công tác dân vận ngày nay trong điều kiện có chính quyền, có công cụ thông tin, truyền thông mạnh, có mạng internet... nhưng vẫn rất cần sự sâu sát, lắng nghe, bàn bạc với dân. "Dân vận khéo" là phải sát dân, phù hợp với đặc điểm, lợi ích của từng đối tượng, từng con người. Trong điều kiện mới, công tác dân vận lại càng phát huy được vai trò của mình khi vận động từng của cán bộ, hội viên, nhân dân trong “Công tác chuyển đổi số”
Những năm gần đây, công nghệ số đã đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển và thay đổi của xã hội. Việc áp dụng công nghệ số vào các lĩnh vực quan trọng như giáo dục, chăm sóc sức khỏe, báo chí và truyền thông, quản lý hành chính, giao thông, phòng cháy chữa cháy đã mang lại những lợi ích to lớn cho cộng đồng. Với tầm quan trọng và tiềm năng của công nghệ số, việc xây dựng các mô hình chuyển đổi số trong các lĩnh vực này trở thành một yêu cầu cấp bách, đóng góp tích cực vào công tác dân vận và phục vụ cộng đồng
Với sự phát triển không ngừng của công nghệ, chuyển đổi số có vai trò quan trọng trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Năm 2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 749/QĐ phê duyệt “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” trong đó xác định Giáo dục là một trong 8 lĩnh vực cần được ưu tiên thực hiện chuyển đổi số trước tiên. Chuyển đổi số đã, đang và sẽ là yêu cầu bắt buộc để các cơ sở giáo dục phải thực hiện để bảo đảm kế hoạch tiến độ, bảo đảm chất lượng đào tạo, bảo đảm mọi hoạt động trong tổ chức đào tạo và quản lý để hướng đến phát triển bền vững; góp phần đào tạo nhân lực có chất lượng, bảo đảm cho phát triển kinh tế.
* Các mức độ chuyển đổi số trong trường tiểu học:
Chuyển đổi số trong trường tiểu học có thể được chia thành 3 mức độ:
- Mức độ 1: Sử dụng công nghệ số trong quản lý
Mức độ này tập trung vào việc ứng dụng công nghệ số trong các hoạt động quản lý của nhà trường bao gồm:
+ Quản lý thông tin học sinh, giáo viên, nhà trường: Sử dụng phần mềm quản lý trường học để quản lý thông tin học sinh, giáo viên, nhà trường một cách hiệu quả.
+ Quản lý tài chính, tài sản: Sử dụng phần mềm quản lý tài chính, tài sản để quản lý tài chính, tài sản của nhà trường một cách minh bạch, hiệu quả.
+ Quản lý chất lượng giáo dục: Sử dụng phần mềm quản lý chất lượng giáo dục để theo dõi, đánh giá chất lượng giáo dục một cách toàn diện.
- Mức độ 2: Sử dụng công nghệ số trong dạy học
+ Sử dụng các phần mềm, ứng dụng giáo dục: Sử dụng các phần mềm, ứng dụng giáo dục để hỗ trợ dạy học, giúp giáo viên và học sinh tiếp cận với nguồn tài nguyên học tập phong phú, đa dạng.
+ Tổ chức dạy học trực tuyến: Sử dụng công nghệ để tổ chức dạy học trực tuyến, giúp học sinh tiếp cận với giáo dục một cách thuận lợi hơn, đặc biệt là học sinh ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn.
+ Tích hợp công nghệ vào giảng dạy: Tích hợp công nghệ vào giảng dạy một cách hiệu quả, giúp giáo viên đổi mới phương pháp dạy học, từ truyền thụ kiến thức sang phát triển năng lực của học sinh.
- Mức độ 3: Sử dụng công nghệ số để đổi mới toàn diện giáo dục
+ Xây dựng hệ thống giáo dục trực tuyến: Xây dựng hệ thống giáo dục trực tuyến, giúp học sinh tiếp cận với giáo dục mọi lúc, mọi nơi.
+ Phát triển các mô hình giáo dục mới: Phát triển các mô hình giáo dục mới, như giáo dục cá thể hóa, giáo dục STEM,…
+ Tạo môi trường học tập số: Tạo môi trường học tập số, giúp học sinh phát triển toàn diện các năng lực.
+ Để chuyển đổi số trong trường tiểu học thành công, cần có sự phối hợp chặt chẽ của nhiều bên gồm: Chính phủ, Bộ GD&ĐT, trường học, giáo viên và học sinh.
+ Tùy theo điều kiện thực tế, các trường có thể lựa chọn mức độ chuyển đổi số phù hợp. Tuy nhiên, mục tiêu cuối cùng của chuyển đổi số trong trường tiểu học là nâng cao chất lượng giáo dục, tạo cơ hội học tập cho mọi trẻ em Việt Nam.
Trong năm 2024, chuyển đổi số đã có những tác động sâu rộng, bao trùm lên tất cả các ngành, các lĩnh vực kinh tế – xã hội, góp phần tăng năng suất lao động, chuyển đổi mô hình hoạt động, kinh doanh. Trong đó, chuyển đổi số ở Trường Tiểu học Cát Bi làm đổi mới cách thức giảng dạy truyền thống hướng tới phổ cập hóa và cá nhân hóa dịch vụ học tập suốt đời tới từng người học và đổi mới cách quản lý học sinh trong nhà trường, nâng cao chất lượng dạy và học cho nhà trường. Để thực hiện thành công chuyển đổi số trong ngành giáo dục, yếu tố con người đóng vai trò rất quan trọng. Cụ thể, cần nâng cao nhận thức, phổ cập tư tưởng cho từng giáo viên, giảng viên, cán bộ quản lý nhà trường để hiểu rõ tầm quan trọng của chuyển đổi số và cùng nhau xây dựng văn hóa số trong giáo dục. Tại Trường Tiểu học Cát Bi, để thực hiện chuyển đổi số thành công, nhà trường đã xây dựng đội ngũ với đầy đủ kinh nghiệm và chuyên môn để hoàn thành chuyển đổi số nhanh nhất.
1. Lĩnh vực đầu tiên nhà trường áp dụng chuyển đổi số thành công đó là chuyển đổi số trong quản lí giáo dục. Nhà trường sử dụng phần mềm quản lí cán bộ MISA để dễ dàng tra cứu hồ sơ; thuận tiện trong việc quản lý cán bộ, công chức, viên chức theo đúng quy định của nhà nước.
Về công tác tài chính, nhà trường cũng sử dụng phần mềm kế toán Misa để quản lý và ghi lại các giao dịch tài chính hàng ngày, bao gồm quản lý tài sản cố định, quản lý chi phí, các khoản phải thu, các khoản phải trả,…
Ngoài ra, nhà trường tập huấn rất tốt tới giáo viên cách sử dụng phần mềm Cơ sở dữ liệu ngành nên từ nhiều năm nay, cán bộ quản lí và giáo viên trong nhà trường đều thực hiện thành thạo các thao tác, đảm bảo đánh giá học sinh một cách khách quan, công bằng, chính xác và tiết kiệm được nhiều thời gian so với việc đánh giá học sinh bằng hồ sơ giấy như trước. Các cấp trên cũng dễ dàng theo dõi toàn bộ kết quả đánh giá học sinh.
Đặc biệt từ năm học 2023-2024, nhà trường đã có những bước đột phá trong việc thực hiện chuyển đổi số. Thực hiện nội dung quản lí hồ sơ sổ sách theo chương trình giáo dục phổ thông 2018, Trường Tiểu học Cát Bi đã áp dụng phần mềm quản lí giáo dục vnEdu. Thời gian đầu khi mới áp dụng vẫn còn nhiều khó khăn, trở ngại. Tuy nhiên nhờ sự chỉ đạo quyết liệt cũng như sự vào cuộc khéo léo, Ban giám hiệu nhà trường đã thường xuyên tổ chức tập huấn, hướng dẫn giáo viên, nhân viên nhà trường hoàn thành tiến độ cộng việc hiệu quả. Toàn bộ các kế hoạch từ cấp quản lí đến tổ nhóm chuyên môn và của giáo viên được tải lên hệ thống, không sử dụng các loại kế hoạch in trong đó điển hình là Kế hoạch bài dạy (giáo án), sổ chủ nhiệm. Qua tháng đầu tiên thực hiện, 100% GV trong nhà trường đã dễ dàng đẩy hồ sơ lên hệ thống và nhận thấy được sự tiện lợi của việc lưu trữ hồ sơ điện tử như: lưu trữ tài liệu trong thời gian dài trên hệ thống, tránh trường hợp mất mát, hỏng rách; tra cứu dễ dàng, tìm kiếm thuận lợi; theo dõi trạng thái phê duyệt từ cấp cao hơn. Về phía nhà trường, lãnh đạo quản lí cũng có nhiều thuận lợi như: Quản lý và theo dõi việc đăng tải hồ sơ của giáo viên theo thời gian quy định, kiểm tra và phê duyệt giáo án nhanh chóng, hiệu quả; ghi chú các nội dung giáo viên cần chỉnh sửa trong giáo án để nâng cao chất lượng. Năm học 2024-2025, Trường Tiểu học Cát Bi đã và đang đẩy mạnh việc chuyển đổi số trong việc vận hành, quản trị, sử dụng Hệ thống phần mềm quản lý hồ sơ chuyên môn, chuyển dữ liệu năm học 2023-2024 sang năm học mới, cập nhật bổ sung đầy đủ dữ liệu năm học mới; công bố Kế hoạch giáo dục nhà trường; thực hiện gửi, duyệt kế hoạch của của tổ chuyên môn của giáo viên lên hệ thống theo quy định.
Việc sử dụng phần mềm quản lý trường học mang lại nhiều lợi ích cho cả học viên, giáo viên và cả những nhà quản trị nhờ những tính năng thông minh. So với những phương pháp quản lý truyền thống, hệ thống đã giúp nhà trường, giáo viên tiết kiệm thời gian cho việc kiểm soát các vấn đề trong nhà trường. Phần mềm này còn hỗ trợ các nhà quản lý bổ sung thêm tài liệu mọi lúc mọi nơi, theo dõi sát sao tình hình hoạt động trong nhà trường; đáp ứng được số lượng dữ liệu lớn nhưng vẫn đảm bảo tính nhanh chóng cũng như bảo mật thông tin cao. Không những vậy, phần mềm quản lý nhà trường còn hỗ trợ báo cáo và theo dõi các hoạt động. Những công việc như ghi chép, báo cáo, thống kê cũng được thực hiện một cách tự động. Nhờ vậy mà người quản lý có thể nắm bắt được thông tin chi tiết của từng nhân viên trong trường học, quản lý dễ dàng các hoạt động của giáo viên, học sinh. Nhờ chỉ đạo sát sao của BGH và sự học hỏi nghiêm túc của giáo viên nên nhiều năm nay, nhà trường luôn được Phòng GD&ĐT đánh giá cao công tác chuyển đổi số trong lĩnh vực quản lí giáo dục.
2. Lĩnh vực chuyển đổi số thứ hai mà nhà trường thực hiện tốt đó là sử dụng công nghệ số trong dạy học. Hiện tại, 100% cán bộ, giáo viên của trường đều soạn bài trên máy tính. Đội ngũ giáo viên đã tích cực ứng dụng CNTT trong bồi dưỡng chuyên môn; khai thác và sử dụng học liệu điện tử, xây dựng bài giảng điện tử, tổ chức dạy học trực tuyến, … Nhà trường đã lắp đặt hệ thống Wifi tại tất cả các dãy phòng học để giáo viên có thể kết nối trực tiếp với máy tính tìm kiếm thông tin, hình ảnh, tư liệu trực quan hỗ trợ giảng dạy. Các phòng học cũng được lắp đặt 100% màn hình Tivi, máy soi để giáo viên kết nối máy tính trình chiếu Kế hoạch bài dạy điện tử Powerpoint phục vụ giảng dạy. Chính vì lẽ đó 100% học sinh các lớp đều được học tập với các thiết bị công nghệ. Học sinh hứng thú hơn khi được học các bài học thông qua các bài giảng Powerpoint, các phần mềm, các video,… Các bậc phụ huynh và học sinh đã thấy lợi ích của việc học tập ứng dụng công nghệ thông tin nên đã rất ủng hộ nhà trường. Những năm gần đây, nhiều giáo viên đã sử dụng các ứng dụng quản lí lớp học tích cực như: ClassDojo, BeeClass thu hút được sự chú ý và phát huy được năng lực, phẩm chất cho học sinh và là công cụ đắc lực để giáo viên dễ dàng quản lí lớp học. Một số hình ảnh minh họa:
Các phòng học, phòng hội trường đều được trang bị các thiết bị hiện đại để phục vụ giảng dạy và GV ứng dụng các phần mềm quản lí lớp học như BeeClass, ClassDojo tạo sự hứng thú cho HS
3. Lĩnh vực thứ ba: Sử dụng công nghệ số để đổi mới toàn diện giáo dục:
3.1. Nhà trường luôn chú trọng phát triển các mô hình giáo dục mới: giáo dục STEM, phòng học thông minh để tạo điều kiện tốt nhất cho học sinh được tiếp cận và trực tiếp thực hành với công nghệ số trong học tập. Cán bộ, giáo viên, nhân viên nhà trường đã tích cực tham gia các lớp tập huấn về STEM, lên tiết chuyên đề cấp quận về giáo dục STEM, tập huấn phòng học thông minh để có thể đạt kết quả cao trong quá trình thực hiện.
Một số sản phẩm STEM của học sinh Trường Tiểu học Cát Bi
GV trường tham gia tập huấn phòng học thông minh do Phòng GD&ĐT tổ chức
Trường tổ chức tập huấn phòng học thông minh cho giáo viên trong nhà trường
3.2. Một trong những nội dung chuyển đổi số mà nhà trường đã làm rất tốt nữa là công tác tuyển sinh trực tuyến. Nhờ công tác tuyên truyền, vận động hiệu quả từ Ban giám hiệu tới hội đồng giáo viên, nhân viên và phụ huynh học sinh trong việc ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số đã giúp nhà trường chủ động trong công tác tuyển sinh. Đây là năm học thứ 3, Trường Tiểu học Cát Bi thực hiện nhận hồ sơ tuyển sinh cho học sinh theo phương thức trực tuyến song song với trực tiếp. Trước khi kì tuyển sinh diễn ra, nhà trường đã tổ chức tập huấn cho cán bộ, giáo viên sử dụng thành thạo ứng dụng công nghệ thông tin, các phần mềm quản lý giáo dục cũng như sớm thành lập Hội đồng tuyển sinh năm học 2024-2025.
Ngay từ những tháng cuối năm học trước, nhà trường phối hợp chặt chẽ với các trường mầm non trên địa bàn để nắm bắt thông tin về số trẻ 5 tuổi chuẩn bị vào lớp 1. Khi được Phòng GD-ĐT quận giao chỉ tiêu tuyển sinh, nhà trường đã chủ động truyền thông đến đông đảo người dân về phương thức tuyển sinh trực tuyến qua trang fanpage Facebook, website của trường, qua các nhóm zalo phụ huynh của 43 lớp cũng như tổ chức tuyên truyền trên hệ thống loa phát thanh…
Không chỉ làm tốt mọi công tác phục vụ cho tuyển sinh trực tuyến lớp 1, nhà trường còn tập huấn, hướng dẫn cho đội ngũ giáo viên các lớp, nhất là giáo viên chủ nhiệm khối lớp 5 rà soát chính xác thông tin của học sinh trên phần mềm cơ sở dữ liệu ngành; trực tiếp gặp gỡ, tư vấn giúp các phụ huynh hiểu, biết cách đăng ký trực tuyến qua tiện ích tuyển sinh online trên điện thoại, máy tính bảng, máy tính. Nhà trường và giáo viên luôn đồng hành, tạo thuận lợi nhất cho các gia đình trong triển khai thực hiện việc tuyển sinh trực tuyến vào lớp 6.
Mặc dù việc triển khai đăng ký trực tuyến đem lại nhiều tiện ích cho phụ huynh, thuận lợi do cha mẹ học sinh đều trẻ, có hiểu biết về công nghệ nên thao tác nhanh chóng. Tuy nhiên, không phải gia đình nào cũng ứng dụng công nghệ thông tin thành thạo. Ngoài ra, một số gia đình khi thực hiện nhập dữ liệu, đôi khi xảy ra sai sót nhưng việc chỉnh sửa không dễ dàng. Những ngày đầu mở hệ thống, lượng truy cập cao, đôi khi xảy ra hiện tượng nghẽn mạng. Nhà trường đã lường trước được những khó khăn đó nên đã bố trí cán bộ tuyển sinh am hiểu công nghệ trực tại trường, sẵn sàng tư vấn, hỗ trợ, tạo được sự an tâm cho phu huynh.
Vì làm tốt công tác tuyển sinh nên cán bộ quản lý, giáo viên cũng thuận lợi hơn trong thống kê cũng như giúp công tác kiểm tra, đối chiếu dữ liệu tuyển sinh của Phòng GD-ĐT được chính xác, kịp thời
3.3. Tại Công văn 1493/BHXH-CSYT của Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã đề nghị các cơ sở khám chữa bệnh cho phép người có thẻ BHYT khi đi khám, chữa bệnh được sử dụng hình ảnh thẻ BHYT trên ứng dụng Bảo hiểm xã hội số - VssID thay thế cho việc sử dụng BHYT giấy. Sử dụng hình ảnh thẻ BHYT trên ứng dụng VssID-BHXH số khi đi khám chữa bệnh giúp người sử dụng không lo quên, mất thẻ BHYT giấy. Đồng thời, giảm thời gian khi thực hiện thủ tục khám, chữa bệnh; xuất trình thẻ BHYT giấy; giúp người tham gia BHYT tra cứu giá trị sử dụng thẻ, lịch sử thanh toán khám chữa bệnh; chủ động tra cứu và tiếp nhận được các thông tin cần thiết về quá trình tham gia BHXH, BHYT…phụ huynh sẽ là người đăng ký tài khoản VssID cho con thông qua tài khoản của cha hoặc của mẹ hoặc của người giám hộ. Nắm được vai trò, ý nghĩa của việc cài đặt ứng dụng VssID, nhà trường và các đ/c giáo viên, nhân viên, đặc biệt là giáo viên chủ nhiệm đã tuyên truyền trong các nhóm lớp để phụ huynh thực hiện cài đặt ứng dụng này thuận tiện cho việc giám sát và sử dụng các dịch vụ điện tử liên quan đến bảo hiểm y tế. Kết quả thu được từ các lớp rất cao.
3.4. Đặc biệt, bắt đầu từ năm học 2023-2024, trường áp dụng thanh toán không dùng tiền mặt trong nhà trường nhằm nâng cao công tác quản lí thu và chống lạm thu. Thực hiện chỉ đạo của UBND quận, Phòng GD và ĐT quận Hải An, nhà trường đã liên kết với ngân hàng tập huấn cho 100% giáo viên chủ nhiệm thực hiện thành thạo cách đóng tiền học qua ứng dụng Viettel Money. Qua sử dụng app này, giáo viên chúng tôi nhận thấy thanh toán học phí thông qua Viettel Money chỉ cần nhập mã số học sinh là có thể thanh toán học phí, không cần nhớ số tài khoản ngân hàng hay các thông tin rườm rà và mang lại nhiều lợi ích sau:
* Đối với Phụ huynh:
- Thanh toán nhanh chóng, dễ dàng, được bất cứ đâu
- Tiết kiệm thời gian
- Hình thức thanh toán an toàn và quản lý được học phí từng kỳ cho con
- Hạn chế rủi ro tiền mặt, miễn phí chi phí giao dịch
- Chủ động nộp học phí và được gợi nhắc khi đến kỳ, không còn nỗi lo trễ hạn.
* Đối với nhà trường:
- Giảm bớt chi phí về hóa đơn giấy và tiết kiệm nhân lực
- Quản lý học phí được thực hiện chính xác, an toàn và hiệu quả quả hơn
Thấy rõ lợi ích của việc thanh toán qua app nên nhà trường tăng cường công tác tuyên truyền để phụ huynh hiểu rõ những ưu điểm của việc thanh toán học phí không dùng tiền mặt. Các đồng chí giáo viên triển khai và hướng dẫn tới 100% phụ huynh cách cài đặt ứng dụng Viettel Money trên điện thoại. Tuy nhiên khi triển khai phần mềm này có chút khó khăn trong các thao tác cài đặt ban đầu. Lý do là bởi tính bảo mật của phần mềm cao, phụ huynh cần thực hiện nhiều bước xác nhận thông tin. Tuy nhiên, nhà trường đã gửi hướng dẫn thao tác tỉ mỉ từ hình ảnh đến video, bất kỳ khi nào phụ huynh gặp khó khăn sẽ được tư vấn, hướng dẫn cài đặt.
Khi triển khai ứng dụng này, nhà trường kỳ vọng sau 3 tháng, phụ huynh sẽ tiếp cận và làm quen với các thao tác. Tuy nhiên, chỉ sau 1 tháng, thống kê của kế toán cho thấy, có gần 90% phụ huynh đã thao tác thành công và đóng học phí qua app. Điều này chứng tỏ, phụ huynh rất ủng hộ chủ trương thanh toán học phí qua ứng dụng nhà trường
Bắt đầu từ tháng 11 năm học 2023-2024, gần 100% phụ huynh nhà trường đã thực hiện thành công việc nộp học qua ứng dụng Viettel Money. Đây là một con số rất đáng mừng cho thấy sự vào cuộc quyết liệt trong công tác triển khai của Ban giám hiệu nhà trường, sự nhiệt tình của đội ngũ giáo viên chủ nhiệm và sự hợp tác của các bậc phụ huynh học sinh toàn trường.
Việc chuyển đổi số của nhà trường đã mang đến hiệu quả giáo dục tốt. Không chỉ giáo viên nâng cao chuyên môn mà học sinh cũng được thay đổi cách học, cách tiếp cận kiến thức, chủ động trong học tập... Trong những năm học tới, chuyển đổi số được nhà trường tiếp tục duy trì nhằm tạo đột phá, chuyển biến chất lượng giáo dục một cách toàn diện, đạt thành tích cao hơn nữa trong giáo dục với các giải pháp sau:
* Về phía nhà trường: Tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cán bộ quản lý, giáo viên, phụ huynh, học sinh về chuyển đổi số và ứng dụng CNTT vào dạy học cũng như quan tâm bồi dưỡng năng lực sử dụng công nghệ thông tin cho đội ngũ; đồng thời tăng cường bổ sung cơ sở hạ tầng đồng bộ, sẵn sàng ứng dụng công nghệ mới và nâng cấp trang thông tin riêng mang tính thương hiệu của nhà trường như: trang Website, Facebook, Zalo….
* Về phía giáo viên: Mỗi đồng chí cán bộ, giáo viên cần có sự thay đổi về nhận thức cũng như hành động, phải luôn đề cao tính tự học, tự bồi dưỡng để nâng cao năng lực đáp ứng yêu cầu thực hiện chuyển đổi số. Chủ động ứng dụng CNTT - truyền thông, sử dụng các phương tiện dạy học vào tiết học. Đồng thời phải xây dựng kế hoạch giáo dục cụ thể cho việc chuyển đổi số trong quá trình dạy học.
Trên đây là những kết quả đạt được trong công cuộc thực hiện chuyển đổi số tại Trường Tiểu học Cát Bi, quận Hải An, thành phố Hải Phòng. Với sự chỉ đạo sát sao của Ban giám hiệu nhà trường, sự tâm huyết, chủ động học hỏi tiếp thu cái mới của đội ngũ giáo viên, tôi tin rằng việc thực hiện chuyển đổi số của nhà trường sẽ ngày càng được triển khai sâu rộng và hiệu quả trên nhiều lĩnh vực góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu về chuyển đổi số đã đề ra.
Tác giả: Lương Quốc Phương - Trường Tiểu học Cát Bi - Hải An - Hải Phòng