Ngày nay, giáo dục STEM đang dần trở thành xu hướng toàn cầu, là một phương thức thúc đẩy nguồn nhân lực chất lượng cao, tăng cường sự cạnh tranh kinh tế giữa các quốc gia trên thế giới. Trường Tiểu học Cát Bi là một trong số những trường Tiểu học của quận Hải An đã nhanh chóng, nắm bát, triển khai ứng dụng chương trình STEM vào 5 khối học trong hệ thống nhà trường nhằm góp phần đổi mới giáo dục phổ thông.
STEM là viết tắt của các từ Science (khoa học), Technology (công nghệ), Engineering (kỹ thuật) và Math (toán học).
Theo bài viết "Giáo dục STEM trong chương trình giáo dục phổ thông mới" của Trung tâm truyền thông giáo dục (Bộ GD-ĐT), STEM là một chương trình giảng dạy dựa trên ý tưởng trang bị cho người học những kiến thức, kỹ năng liên quan đến các lĩnh vực khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học - theo cách tiếp cận liên môn (interdisciplinary) và người học có thể áp dụng để giải quyết vấn đề trong cuộc sống hàng ngày. Thay vì dạy bốn môn học tách biệt và rời rạc, STEM kết hợp chúng thành một mô hình học tập gắn kết dựa trên các ứng dụng thực tế.
Trong văn bản số 3089 về triển khai STEM, Bộ GD-ĐT định nghĩa: "Giáo dục STEM là một phương thức giáo dục nhằm trang bị cho học sinh những kiến thức khoa học gắn liền với những ứng dụng của chúng trong thực tiễn. Nội dung bài học theo chủ đề STEM gắn với việc giải quyết tương đối trọn vẹn một vấn đề, trong đó học sinh được tổ chức tham gia học tập một cách tích cực, chủ động và biết vận dụng kiến thức vừa học để giải quyết vấn đề đặt ra; thông qua đó góp phần hình thành phẩm chất năng lực cho học sinh".
Giáo dục STEM (STEM education) là một cách tiếp cận liên ngành trong quá trình học, trong đó các khái niệm học thuật mang tính nguyên tắc được lồng ghép với các bài học trong thế giới thực, ở đó các bạn học sinh được áp dụng kiến thức và kỹ năng trong các lĩnh vực khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học vào trong các bối cảnh cụ thể, giúp kết nối giữa trường học, cộng đồng, nơi làm việc và các tổ chức toàn cầu, được truyền đạt đan xen và kết dính lẫn nhau cho học sinh trên cơ sở học thông qua thực hành và hướng đến giải quyết các vấn đề thực tiễn. Ngoài ra, giáo dục STEM còn chú trọng trang bị cho học sinh những kỹ năng mềm cần thiết cho sự thành công trong công việc sau này như kỹ năng cộng tác, làm việc nhóm, giải quyết vấn đề, tư duy sáng tạo, tư duy phản biện…
Như vậy, cách định nghĩa về giáo dục STEM nói đến một cách tiếp cận liên ngành, liên môn học trong một chương trình đào tạo, cụ thể có bốn lĩnh vực: Khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học. Giáo dục STEM giúp học sinh nhận thấy được tầm quan trọng của kiến thức các môn khoa học, toán và công nghệ và hướng đến sự vận dụng kỹ thuật trong việc giải quyết các vấn đề. Giáo dục STEM trên thế giới khá đa dạng và được dạy theo chủ đề. Không chỉ có hoạt động dạy làm robot mới được xem là giáo dục STEM. Ngay những trẻ em mẫu giáo, tiểu học cũng đã được học các chương trình tích hợp STEM, ví dụ như thông qua các trò chơi làm mô hình núi lửa, làm bong bóng bay, làm chong chóng quay...Mặc dù chỉ là các trò chơi đơn giản nhưng được xây dựng và tổ chức có hệ thống và có sự kết nối các nhóm kiến thức với nhau.
Mục đích chính của chương trình giáo dục STEM không phải để đào tạo ra các nhà khoa học, nhà toán học, kỹ sư mà chính nằm ở truyền cảm hứng trong học tập, thấy được mối liên hệ giữa các kiến thức (nhất là các kiến thức về khoa học và toán), và nhận thức được tầm quan trọng của các kiến thức STEM ảnh hưởng đến thế giới và sự phát triển của xã hội trong tương lai. Ngoài ra, các kỹ năng thực hành khoa học và kỹ thuật cũng góp phần quan trọng trong việc vận dụng các kiến thức được học trong việc giải quyết vấn đề và tạo thành sản phẩm.
Trong các hoạt động STEM, học sinh học trong một môi trường an toàn, cho phép các em ngã và thử lại. Giáo dục STEM nhấn mạnh giá trị của sự thất bại như một bài tập học tập, điều này sẽ cho phép học sinh nắm lấy những sai lầm như một phần của quá trình học tập, đồng thời cho phép học sinh xây dựng sự tự tin và khả năng phục hồi, cho phép các em tiếp tục tiến lên khi mọi thứ trở nên khó khăn. Như vật, thất bại chính là một phần của quá trình cuối cùng dẫn đến thành công.
Giáo dục STEM thúc đẩy sự khéo léo và sáng tạo dẫn đến những ý tưởng và đổi mới. Nếu không có sự khéo léo và sáng tạo, những phát triển gần đây trong trí tuệ nhân tạo hoặc học tập kỹ thuật số sẽ không thể thực hiện được. Những công nghệ này được tạo ra bởi những người học được rằng nếu tâm trí con người có thể hình dung ra nó, tâm trí con người có thể đạt được nó.
Giáo dục STEM có thể được dạy cho học sinh ở mọi cấp độ khả năng. Học sinh ở các cấp độ khả năng khác nhau có thể làm việc cùng nhau trong các nhóm để tìm giải pháp cho các vấn đề, ghi dữ liệu, viết báo cáo, thuyết trình,… Kết quả cuối cùng là các học sinh hiểu cách cộng tác với người khác và phát triển trong môi trường theo định hướng nhóm.
Nhận thấy ý nghĩa của việc đưa giáo dục STEM vào bài học, Trường Tiểu học Cát Bi đã nghiêm túc thực hiện chỉ thị số 16/CT- TTg ngày 04/5/2017 của Thủ tướng chính phủ về việc tăng cường năng lực tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, thúc đẩy triển khai giáo dục về khoa học, công nghệ, kĩ thuật và toán học Stem trong chương trình giáo dục phổ thông; quyết định số 131/QĐ-TTg ngày 25/01/2022 của Thủ tướng chính phủ về phê duyệt Đề án "Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030"; Bộ giáo dục và đào tạo hướng dẫn tổ chức hoạt động giáo dục Stem trong cơ sở giáo dục tiểu học. Ngay từ đầu năm học 2022-2023, nhà trường đã cử giáo viên đi dự tập huấn do Sở giáo dục và đào tạo Thành phố Hải Phòng tổ chức. Sau thời gian đi tập huấn, nhà trường lại tiếp tục tổ chức buổi nghiên cứu về giáo dục Stem tại trường để cùng nhau học hỏi và tháo gỡ những điều còn băn khoăn.
Hình ảnh các cô giáo Trường Tiểu học Cát Bi say sưa tìm tòi,
chia sẻ về giáo dục STEM.
Thực hiện Công văn số 909/BGDĐT-GDTH ngày 08/3/2023 của Bộ GD&ĐT về việc hướng dẫn tổ chức hoạt động giáo dục STEM trong giáo dục Tiểu học, Kế hoạch số 62/KH-SGDĐT ngày 08/5/2023 của Sở GD&ĐT Hải Phòng về tổ chức thực hiện hoạt động giáo dục STEM trong giáo dục tiểu học, thực hiện chỉ đạo của Phòng GD&ĐT quận Hải An về tổ chức thực hiện hoạt động giáo dục STEM trong giáo dục tiểu học, năm học 2023 - 2024 BGH trường Tiểu học Cát Bi đã xây dựng kế hoạch số 75/KH-THCB ngày 30/9/2023 về kế hoạch tổ chức triển khai Giáo dục STEM năm học 2023 - 2024. Đồng thời chỉ đạo các khối xây dựng kế hoạch thực hiện chi tiết các nội dung giáo dục STEM cho từng khối lớp một cách cụ thể.
Năm học này, các khối lớp của trường Tiểu học Cát Bi đều chọn hình thức Bài học Stem để xây dựng kế hoạch giáo dục Stem cho từng khối lớp. Ngay từ đầu năm học, các khối đã tổ chức SHCM để cùng nhau xây dựng các bài học Stem phù hợp với điều kiện của từng khối. Với tinh thần say mê học hỏi, sự sáng tạo của cả thầy và trò, sự ủng hộ của các bậc PHHS, các HS đã rất hào hứng tham gia các tiết học Stem. Các bài học Stem đơn giản như:
+ Khối 1: Môn Toán: “Đèn hiệu và biển báo giao thông” dạy thay thế bài “Hình vuông, hình tròn, hình tam giác” và “Bên trên, bên dưới, bên phải, bên trái”.
+ Khối 2: Môn Toán bài Thước gấp, Môn TNXH bài Cây gia đình; Chú hề vui nhộn; Khẩu trang của em.
+ Khối 4: Môn Toán Bộ chữ số bí ẩn, Công nghệ “Chậu cây thân thiện với môi trường”.
+ Khối 5: Bài Ngôi nhà phòng tránh muỗi. thay thế bài Khoa học: “Phòng bệnh sốt rét, sốt xuất huyết, viêm não” Tham gia bài học Stem, các em đã cùng nhau tạo ra các sản phẩm Stem từ những vật liệu gần gũi với chi phí không tốn kém nhiều.
+ Riêng tập thể GV khối 3 đã nghiên cứu, lựa chọn 4 bài học Stem trong môn TN&XH, môn Toán, môn Công nghệ và Tin học để xây dựng kế hoạch dạy học trong năm học này. Bài học Stem “Lớp học xanh từ vật liệu tái chế” được xây dựng ý tưởng từ môn TN&XH thuộc chủ đề Trường học thay thế cho tiết 17 + 18 bài “Giữ vệ sinh trường học” và tiết 19 bài “Ôn tập chủ đề trường học”.
Với cách tiếp cận bài học phát huy được năng lực sáng tạo của học sinh, tập thể CB-GV trường Tiểu học Cát Bi tin rằng với những ý tưởng đơn giản, chúng tôi sẽ tạo cho HS hứng thú học tập qua các bài học thật nhẹ nhàng, hiệu quả để các em cùng nhau tham gia tích cực hơn, không chỉ khi được học các bài học Stem mà các em còn tích cực tham gia tất cả các tiết học khác.
Thế mới thấy, để chuyển mình thay đổi theo xu thế hội nhập - phát triển, giáo dục với phương châm “Đưa bài học vào cuộc sống” không hề khó. Chỉ là chúng ta có dám mạnh dạn thử sức hay không mà thôi. Việc nhà trường, thầy cô mạnh dạn đổi mới, mang những điều đẹp đẽ và tích cực tới cho học sinh thì chắc chắn sẽ nhận được sự hưởng ứng và đồng thuận từ phía phụ huynh và nhân dân. Và trong năm học này, bài học của các em học sinh trường Tiểu học Cát Bi sẽ thêm nhiều màu sắc tươi mới và thú vị hơn rất nhiều.
Tác giả: Hà Quỳnh Anh - Trường Tiểu học Cát Bi - Hải An - Hải Phòng