TRUNG TÂM Y TẾ HẢI AN
KHOA YTCC-ATTP và DD
|
|
BÀI TRUYỀN THÔNG PHÒNG CHỐNG NGỘ ĐỘC THỰC PHẨM
DO HISTAMIN TRONG CÁ BIỂN
Cá biển là món ăn ưa chuộng và rất tốt cho sức khỏe, tuy nhiên nếu cá không được bảo quản tốt sẽ dẫn tới cá bị nhiễm độc, và người sử dụng cá bị ngộ độc Histamine sau khi ăn. Ngày 27/6/2024 tại bếp ăn tập thể Công ty cổ phần đóng tàu Sông Cấm, An Dương, Hải Phòng; do Công ty TNHH dịch vụ Thành Hưng, An Dương, Hải Phòng cung cấp dịch vụ suất ăn xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm với 112 công nhân phải cấp cứu, điều trị tại các bệnh viện, TTYT trên địa bàn thành phố. Nguyên nhân được xác định do hàm lượng Histamin trong món Cá thu ngừ kho vượt qua mức giới hạn cho phép.
Ngộ độc Histamin là do ăn phải thức ăn chế biến từ các loại cá biển kém tươi, có cơ thịt màu đỏ như: Cá ngừ, cá trích, cá thu, cá nục, cá bạc má…Các loại cá biển kém tươi này do quá trình bảo quản không tốt có thể bị nhiễm vi sinh vật, một số loại vi sinh vật phát triển sản sinh ra enzyme và tác động gây chuyển hóa acid Histidine thành Histamin. Histamine có tính chịu nhiệt cao, không bị phát hủy khi nấu chín, đông lạnh, hun khói, tiệt trùng thực phẩm. Người sử dụng thực phẩm chứa Histamin vượt quá giới hạn tùy theo mức độ có thể gây các triệu chứng nhẹ tới biểu hiện ngộ độc nặng, trường hợp nặng cấp cứu không kịp thời có thể gây tử vong. Biểu hiện ngộ độc do Histamin gồm các triệu chứng cấp tính như: Đỏ mặt, mắt; nổi mẩn, ngứa, có thể phát ban ngoài da; có thể có buồn nôn, nôn; cảm giác nôn nao, chóng mặt, nóng ran trong miệng, tăng tiết nước bọt…
Để phòng tránh ngộ độc thực phẩm do Histamin trong cá biển, các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, bếp ăn tập thể, người dân cần thực hiện những nội dung sau:
1. Sử dụng thực phẩm đặc biệt thực phẩm tươi sống, đông lạnh từ cá biển phải rõ nguồn gốc, xuất xứ.
2. Tuân thủ các điều kiện bảo quản của nhà sản xuất, quy trình rã đông thủy sản đông lạnh, điều kiện vệ sinh nơi chế biến để phòng ngừa nguy cơ thực phẩm bị nhiễm khuẩn, biến chất, hư hỏng làm gia tăng hàm lượng Histamin tới mức gây ngộ độc thực phẩm.
3. Tuân thủ việc thực hiện kiểm thực ba bước đầy đủ, chú trọng kiểm thực bước 1; kiểm tra, đánh giá cảm quan nguyên liệu trước khi chế biến, kịp thời loại bỏ khi phát hiện thực phẩm không đảm bảo độ tươi.
4. Khi phát hiện người sử dụng thực phẩm chế biến từ cá biển có biểu hiện ngộ độc thực phẩm cần đưa ngay đến các cơ sở điều trị để được cấp cứu, xử trí kịp thời, hạn chế tới mới thấp nhất hậu quả nghiêm trọng.
5. Thực hiện lưu mẫu đúng quy định; giữ, bảo quản mẫu lưu khi phát hiện ngộ độc để phục vụ điều tra, xác định nguyên nhân gây ngộ độc.