Ngày 05/08/2022, Trường Tiểu học Cát Bi đã triển khai tập huấn bồi dưỡng Giáo viên sử dụng SGK lớp 3 môn Công nghệ, bộ sách Cánh Diều năm học 2022-2023. Đến với buổi tập huấn có các đồng chí trong Ban giám hiệu và các đ/c giáo viên toàn trường. Với tinh thần làm việc nghiêm túc, trách nhiệm, buổi tập huấn đã mang lại hiệu quả cao.
Thông qua buổi tập huấn, đồng chí Trần Diệu Linh, đại diện cho tổ khối 3 trình bày chia sẻ nội dung nghiên cứu của môn Công nghệ 3. Qua đó, giáo viên chúng tôi nắm được một số nội dung sau:
Bộ sách gồm có: SGK, SGK điện tử, SGV, SGV điện tử (học 10.vn)
1. Mục tiêu môn học
Giúp học sinh hình thành và phát triển những yếu tố căn bản đặt nền móng cho sự phát triển hài hoà về thể chất và tinh thần, phẩm chất và năng lực; định hướng chính vào giáo dục về giá trị bản thân, gia đình, cộng đồng và những thói quen, nền nếp cần thiết trong học tập và sinh hoạt.
* Yêu cầu cần đạt về NL PC chung:
- Phẩm chất chủ yếu: bao gồm 5 thành tố: yêu nước, nhân ái, chăm chỉ, trung thực, trách nhiệm.
- Năng lực cốt lõi: bao gồm: năng lực chung, năng lực đặc thù và năng lực đặc biệt.
2. Quan điểm biên soạn sách
- Theo định hướng phát triển phẩm chất và năng lực học sinh; đáp ứng yêu cầu cần đạt của chương trình GDPT năm 2018.
- Đảm bảo tính hiện đại, cập nhật, tương ứng với sự phát triển của khoa học, kĩ thuật và công nghệ.
- Đảm bảo tính khái quát, đơn giản, gần gũi với đời sống thực tiễn.
- Chú trọng cung cấp kiến thức qua kênh hình; phù hợp năng lực nhận thức của HS; tạo hứng thú học tập cho HS.
- Tạo điều kiện tổ chức hoạt động học tập; phát huy tính tự chủ của nhà trường và giáo viên.
3. Điểm mới của bộ sách Cánh Diều môn Công nghệ 3:
Cuốn sách vừa đảm bảo tính hiện đại, cập nhật, tương ứng với sự phát triển của khoa học, kĩ thuật và công nghệ, nhưng cũng đảm bảo tính khái quát, đơn giản, gần gũi với đời sống thực tiễn nhằm tạo hứng thú và thuận lợi cho học sinh. Nội dung cuốn sách được trình bày đơn giản, dễ hiểu, phù hợp với lứa tuổi của học sinh lớp Hình thức cuốn sách trình bày nhiều hình vẽ đẹp, hấp dẫn, tạo hứng thú học tập cho học sinh.
4. Cấu trúc bài học:
So với sách giáo khoa hiện hành, để tạo thuận lợi cho việc dạy học phát triển năng lực và phẩm chất học sinh, tạo điều kiện cho việc tổ chức hoạt động học cho học sinh, cấu trúc bài học trong sách Công nghệ 3 có những điểm mới sau đây:
- Với chủ đề Công nghệ và đời sống, bài học được cấu trúc theo các hoạt động học, bao gồm:
Hoạt động Khởi động để tạo tâm thế học tập cho học sinh.
Hoạt động Khám phá để học sinh hình thành kiến thức, kĩ năng mới.
Hoạt động Thực hành, xử lí tình huống để học sinh rèn luyện và phát triển kĩ năng, củng cố kiến thức đã học. Trong các hoạt động còn có những câu hỏi gợi ý để học sinh tập trung hơn vào những nội dung chính cần học .
Hoạt động vận dụng được xây dựng dưới dạng Trò chơi để tăng độ hứng thú của học sinh khi củng cố kiến thức và vận dụng kiến thức đã học vào thực tế.
Trong mỗi bài học còn có mục “Em có biết” để giới thiệu thêm những thông tin bổ ích, hấp dẫn có liên quan đến nội dung bài học.
Để giúp học sinh nắm chắc kiến thức chủ yếu, trọng tâm của bài học, mỗi bài học còn có mục “Kiến thức cốt lõi”.
- Với chủ đề Thủ công kĩ thuật, bài học cũng được cấu trúc theo các hoạt động học như trên nhưng tập trung vào nội dung giới thiệu quá trình tiến hành làm một sản phẩm.
- Đặc điểm nổi bật nữa của Sách giáo khoa Công nghệ 3 thuộc bộ sách Cánh Diều là cấu trúc hài hòa kênh chữ và kênh hình để tạo hứng thú, thuận lợi cho học sinh trong học tập, lôi cuốn các em học tập.
5. Thời lượng chương trình
Chương trình giáo dục cấp Tiểu học có môn Tin học và Công nghệ, được tổ chức dạy học ở 3 khối lớp 3, 4 và 5 với thời lượng 70 tiết/năm học. Theo Chương trình GDPT 2018 với môn Tin học và Công nghệ, môn học được cấu trúc bởi hai phân môn: phân môn Tin học (có thời lượng 35 tiết/năm học) và phân môn Công nghệ (có thời lượng 35 tiết/năm học).
Sau đây là một số hình ảnh:
Trò chơi "Con thỏ - ăn cỏ - uống nước - vào hang" mở đầu cho buổi tập huấn
Đ/c Trần Diệu Linh trình bày tóm tắt nội dung của bộ sách Công nghệ
Cuối buổi tập huấn, đồng chí Trần Diệu Linh lên tiết dạy minh hoạ bằng tiết Công nghệ: "Làm máy bay giấy". Tiết dạy mô tả rõ những phương pháp nhằm hình thành và phát triển năng lực phẩm chất cho học sinh như năng lực tự chủ và tự học, năng lực giao tiếp và hợp tác, năng lực giải quyết vấn đề và sáng tạo, năng lực giao tiếp công nghệ, năng lực sử dụng công nghệ, năng lực đánh giá công nghệ, trò chơi "phóng viên"...nhằm hình thành và phát triển năng lực phẩm chất cho học sinh.
Với sự chuẩn bị đồ dùng dạy học chu đáo và sáng tạo, đồng chí đã làm cho tiết học thêm hấp dẫn, sinh động, vui nhộn và tạo sự hứng thú cho học sinh trong tiết học. Buổi tập huấn bồi dưỡng GV sử dụng SGK lớp 3 môn Công nghệ đã thành công tốt đẹp.